Kinh nghiệm xin visa Mỹ của phượt thủ chạy xe máy xuyên lục địa Trần Đặng Đăng Khoa
Là một trong những đất nước quyền lực nhất thế giới nên visa Mỹ rất khó xin, đặc biệt là từ Việt Nam. Hãy nghe những chia sẻ hữu ích của phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa về cách xin visa Mỹ tự túc nếu bạn có dự định đến đây từ một nước thứ 3.
Mỹ là đất nước cho phép xin visa từ nước thứ 3. Nói cách khác, bạn không phải quay lại Việt Nam nếu đang đi du lịch nước ngoài, mà có thể đến Đại sứ quán Mỹ ở các nước trên thế giới – nước mà bạn không có nơi ở thường trú để làm thủ tục.
SINH TRẮC HỌC (LẤY DẤU VÂN TAY) LÀ ĐIỀU BẮT BUỘC
Vừa rồi, Colombia là điểm đến tròn 1 năm Đăng Khoa đi phượt vòng quanh thế giới và thủ đô Bogota của Colombia là nơi anh xin visa đến Mỹ. Như bao người, Khoa cũng có đủ điều kiện để bị từ chối như: độc thân, không ràng buộc gì với gia đình, đang thất nghiệp, không có việc làm ổn định, không có tài sản, tự chi trả các khoản phí không ai bảo lãnh, trên hộ chiếu có Visa của Iran và Pakistan, không có booking vé máy bay hoặc bất kì khách sạn nào…Tuy nhiên, cuối cùng hồ sơ vẫn được chấp nhận nhờ có một lộ trình hợp lý, rõ ràng, lời khai mạch lạc và trung thực.
Thủ đô Bogota của Colombia là nơi Đăng Khoa xin visa để đến Mỹ.
Trình tự xin visa tới Mỹ từ Colombia hay bất cứ nước thứ 3 nào cũng giống như làm ở Việt Nam, tuy nhiên có một số điểm khác biệt. Đầu tiên, là điền mẫu đơn DS-160 ở link ceac.state.gov/genniv, và chọn nơi muốn đăng kí. Mỹ có rất nhiều Đại sứ quán và Lãnh sự quán ở khắp các nước trên thế giới, nên bạn có thể tùy chọn.
Lưu ý ở mục “mailing address” là địa chỉ của nước đang ở, không phải địa chỉ ở Việt Nam. Mục lịch trình ở Mỹ, các bạn phải điền các bang, thành phố sẽ đến, và ghi nhớ mục này để lúc phỏng vấn khai cho chính xác. Mục công việc hiện tại, thì nếu không có công việc cố định thì nên ghi là travel blogger, nghề viết lách hoặc marketing specialist,… và nhớ đừng nên khai là thất nghiệp.
Khu vực lấy sinh trắc học ở Colombia.
Sau khi đăng kí xong thì thanh toán lệ phí online bằng thẻ Visa hoặc Mastercard rồi đặt lịch hẹn lấy sinh trắc học (biometrics). Ở Colombia, bạn phải đặt lịch hẹn đi lấy sinh trắc học trong một ngày riêng và tại một địa điểm khác, không phải Đại sứ quán Mỹ trước ngày phỏng vấn. Đến ngày hẹn, cầm giấy DS-160 đến rồi xếp hàng đợi đến lượt vào chụp ảnh, lấy dấu vân tay. Nếu không đi lấy dấu vân tay thì đơn xin visa Mỹ cũng bị hủy.
BẤT CỨ SỰ DỐI TRÁ NÀO CŨNG KHÔNG THỂ QUA MẶT ĐƯỢC NHÂN VIÊN ĐẠI SỨ QUÁN
Đến ngày hẹn phỏng vấn, bạn cầm các giấy tờ chứng minh đến Đại sứ quán đúng giờ. Ở Bogota có một điều lạ là họ cho cầm hết đồ dùng, balo, túi xách, cả điện thoại vào tận bàn phỏng vấn chứ không phải gửi ở ngoài. Có lẽ ở đây an ninh tốt và đảm bảo. Vào trong phải qua 2 bàn kiểm tra nhận dạng 2 lần rồi đợi đến lượt phỏng vấn.
Lịch trình ở Mỹ của phượt thủ xe máy Đăng Khoa.
Lúc phỏng vấn, Khoa cầm theo khá nhiều giấy tờ bao gồm: bảng lịch trình chi tiết các bang ở Mỹ sẽ đi, bản đồ,các hợp đồng ngắn hạn và dài hạn cho công việc online với các công ty – cái này quan trọng, sao kê tài khoản ở các ngân hàng (nhưng họ lại không cần coi cái này), các bài báo đã viết, hình ảnh đã chụp lại dọc đường để chứng minh cho công việc đang làm, giấy tờ xe, bằng lái quốc tế, giấy tạm nhập tái xuất cho xe ở các nước đã qua để chứng minh việc đi phượt bằng xe máy, và giải thích cho lí do tại sao lại xin visa từ đây mà không phải ở Việt Nam.
Chắc do trường hợp của Khoa khá đặc biệt nên họ hỏi khá nhiều, kiểm tra cả kênh Youtube và Facebook để chắc chăn Khoa là travel blogger và bảo ngồi đợi để vào hỏi ý kiến cấp trên rồi mới duyệt đơn. Cuối cùng, đơn của Khoa cũng được duyệt. Lưu ý, bạn cần phải khai thật, không được nói dối, sẽ không thể qua mặt được nhân viên Đại sứ quán. Vốn tiếng Anh tốt sẽ giúp bạn trả lời trôi chảy các câu hỏi từ Đại sứ quán.
Thủ tục xin visa Mỹ của Đăng Khoa được chấp nhận và chỉ chờ ngày lên đường.
Một tuần sau, Khoa ra đại lý DHL nhận lại hộ chiếu đã có visa. Khoa chỉ xin visa nhập cảnh một lần, nhưng bất ngờ lại được cho visa nhập cảnh nhiều lần. Ngoài ra, visa nhập cảnh nhiều lần cũng có nghĩa là bạn có thể đi thêm rất nhiều nước khác trên thế giới khác theo diện miễn thị thực nếu có Visa Mỹ còn hạn.
Lịch trình sắp tới của Khoa là bay sang Brazil chơi khoảng 2 tuần, lang thang Rio, Sao Paulo, Iguazu rồi về lại Bogota gửi xe sang Miami cho hành trình 10.000km trong 5 tháng qua 25 tiểu bang trên đất nước cờ hoa từ Nam lên Washington, New York phía Bắc rồi lại đi xuyên nước Mỹ từ bờ Đông sang bờ Tây theo route 66 qua các bang Florida, Georgia, South & North Carolina, Virginia, Maryland, Delaware, New Jersey, Pennsylvania, Ohio, Michigan, Indiana, Illinois, Missouri, Kansas, Oklahoma, Arkansas, Texas, New Mexico, Colorado, Utah, Arizona, Nevada và kết thúc tại California, Los Angeles để gửi xe sang Sydney. Còn mình, Khoa bay sang vài nước Trung Mỹ như Mexico, Cuba, Haiti, Puerto Rico…rồi đi Hawaii chơi và đến Sydney.
(Theo blog Trần Đặng Đăng Khoa)