Kinh nghiệm phỏng vấn visa – những lưu ý vàng bạn cần nhớ

14/01/2019
Lượt xem: 734

Không phải lúc nào việc xin visa cũng cần phải phỏng vấn. Thông thường, nếu như hồ sơ của bạn chưa đạt yêu cầu thì Đại sứ quán sẽ từ chối cấp visa cho bạn bằng một văn bản có đề rõ lý do bị từ chối. Còn nếu như cảm thấy còn nhiều điều cần làm rõ ở hồ sơ xin thị thực thì họ sẽ gọi điện mời bạn đến một buổi phỏng vấn để xác minh, thẩm định. Dưới đây là một số kinh nghiệm phỏng vấn visa bạn cần nhớ để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn được tốt nhất. 

 

1. Ghi nhớ kĩ thời gian, địa điểm phỏng vấn visa

Đầu tiên, hãy nắm rõ thời gian và địa điểm buổi phỏng vấn visa. Bạn nên cố gắng đến đúng giờ hoặc đến trước 15 – 20 phút, để ổn định tinh thần, đồng thời thể hiện bạn là người đúng giờ và chuyên nghiệp. 

Không có lý do gì để biện hộ cho việc bạn đến phỏng vấn muộn. Đây là điều tối kỵ khi phỏng vấn xin visa (và trong bất cứ việc gì). Vì nó gây ấn tượng xấu ngay từ đầu với người phỏng vấn. 

 

2. Chuẩn bị kỹ giấy tờ

Trước tiên, bạn cần phải kiểm tra tất cả các giấy tờ, hồ sơ theo đúng yêu cầu cần mang theo. Bạn nên chuẩn bị hồ sơ đáp ứng đủ 3 yếu tố: đầy đủ, rõ ràng và trung thực. Bạn tuyệt đối không nên mang thừa hoặc mang thiếu hồ sơ, hãy rà soát lại một lần trước khi đến buổi phỏng vấn.

Bạn cần biết rằng nếu bạn thiếu giấy tờ hồ sơ thì hồ sơ của bạn sẽ không được bổ sung thêm mà bị trả lại và phải chuẩn bị và làm lại các khâu xin visa từ đầu.

Khi chuẩn bị hồ sơ, có một số điều mà bạn cần lưu ý như:

– Tài sản: Tất nhiên là càng hoành tráng càng tốt. Nói chung là có bao nhiêu đem theo hết. Đôi khi họ chẳng mượn xem đâu, nhưng chắc chắn họ sẽ nhìn.
– Những ràng buộc: Về gia đình như giấy đăng ký kết hôn, khai sinh của con, hộ khẩu có cha mẹ già yếu,… Về công việc như giấy phép kinh doanh, hợp đồng lao động, bảng lương,…

Tóm lại, hãy thể hiện cho họ thấy bạn nhất định sẽ trở việc Việt Nam, chắc chắn không có ý định ở lại nước xin visa. 

Có một lưu ý nhỏ khi phỏng vấn đó là vì nhân viên lãnh sự ngồi đối diện bạn nên khi đưa giấy tờ gì đó, bạn nên quay ngược lại trước khi đưa để họ không phải mất công quay lại mà đọc. Cái này thuộc về sự tinh tế. Mà chắc ai cũng biết thiện cảm có được từ người đối diện, phần lớn bởi sự tinh tế của họ.

 

3. Đừng “chém gió” – hãy trung thực khi trả lời

Một trong những lý do quan trọng khiến nhiều trường hợp bị từ chối cấp visa đó là câu trả lời phỏng vấn không khớp với hồ sơ. 

Keyword khi đi phỏng vấn visa đó là Trung thực, hãy trả lời đúng với những gì bạn có, những gì bạn thể hiện trong hồ sơ. Không nên “phóng đại” khả năng, kinh nghiệm của mình và nhất là khả năng tài chính. Đây là sai lầm lớn khi phỏng vấn visa vì hầu hết thông tin này đã có hết trong hồ sơ của bạn, kèm theo giấy tờ chứng thực.

Một số người nhầm tưởng là không nên nói với viên chức visa về việc sử dụng dịch vụ làm visa qua các công ty trung gian. Nhưng điều này không đúng. Hãy trung thực và cởi mở. Bạn có thể khẳng định là làm hồ sơ qua các công ty trung gian để việc chuẩn bị hồ sơ được đầy đủ hơn.

Trong trường hợp không rõ câu hỏi, bạn nên yêu cầu viên chức lãnh sự nhắc lại câu hỏi. Và hãy im lặng chứ không nên vội vàng trả lời ngay. Hãy trả lời câu hỏi dứt khoát đi vào trọng tâm câu hỏi và không nói dài dòng. Thỉnh thoảng, nhân viên lãnh sự đặt một câu hỏi chỉ cần trả lời «Có» hay «Không». Nếu gặp một câu hỏi như vậy, bạn nên trả lời thẳng câu hỏi thay vì trả lời vòng quanh không nhắm vào câu hỏi đặt ra. Nói một cách khác, bạn nên trả lời ngắn gọn, nhưng nhắm vào suy tư của nhân viên lãnh sự và thỏa mãn quan tâm của họ. Dĩ nhiên là nếu gặp một câu hỏi cần sự giải thích thì bạn giải thích cho họ, nhưng đi thẳng vào vấn đề.

Nếu không tự tin vào tiếng Anh của mình, hãy trả lời bằng tiếng Việt. Phần lớn họ nói được tiếng Việt. Nếu không, sẽ có người phiên dịch đứng bên cạnh. Lưu ý: cũng phải nên chào người này.

Chú ý, phải trả lời KHÔNG thật nhanh và dứt khoát nếu được hỏi có ý định ở nước xin visa luôn hay không, hoặc nếu được cho phép ở.

 

4. Chuẩn bị trước một số câu hỏi

Thông thường ở các đại sứ quán thường có một một vài những câu hỏi quen thuộc. Chẳng hạn thông tin về bản thân, sở thích, gia đình, và khả năng tài chính… Bạn hãy tập trước những câu hỏi này để trả lời một cách rành mạch và tự tin.

Dưới đây là một số câu hỏi thường được các nhân viên lãnh sự hỏi khi xin visa du lịch (ví dụ visa du lịch Hàn Quốc):

  • Bạn làm gì ở Việt Nam?
  • Ở Việt Nam bạn có người thân không?
  • Bạn có gia đình chưa?
  • Bạn có con chưa?
  • Bạn đã từng đi bao nhiêu quốc gia?
  • Bạn sang Hàn Quốc để làm gì?
  • Bạn đi du lịch Hàn Quốc cùng với ai?
  • Bạn cảm thấy ở Hàn Quốc có điểm nào bạn thích để bạn có ý định sang Hàn Quốc, hay Tại sao bạn lại chọn Hàn Quốc để đi du lịch mà không phải là những quốc gia khác?
  • Bạn có người thân ở Hàn Quốc không?
  • Ai tài trợ và trả chi phí cho chuyến đi du lịch Hàn Quốc của bạn?
  • Khi nào bạn đến nước Hàn Quốc và du lịch Hàn Quốc bao lâu?

 

5. Quan trọng là thần thái 

Đầu tiên, trước khi đến phỏng vấn, bạn hãy chuẩn bị cho mình trang phục thoải mái nhất giúp bạn cảm thấy tự tin nhất. Một bộ trang phục gọn gàng, trang nhã, lịch sự, không lòe loẹt sẽ nhận được sự đánh giá cao từ  viên chức lãnh sự. 

Trước khi vào phỏng vấn, hãy hít thở thật sâu để lấy sự bình tĩnh. Phải thật thoải mái, không quá căng thẳng và đừng quá quan trọng việc đậu hay rớt.

Trong quá trình phỏng vấn bạn hãy luôn tỏ ra thân thiện, dễ gần và đừng quên mỉm cười. Hãy thể hiện một khuôn mặt tươi tỉnh, tự tin nhìn thẳng khi trò chuyện với viên chức lãnh sự, không nói quá nhanh nhưng cần nói to, rõ tiếng. Không sử dụng thuật ngữ hoặc nói thề. 

Một lưu ý khác khi phỏng vấn visa là bạn không nên nói quá ít nhưng cũng không nên nói quá nhiều. Và khi trả lời xong, hãy có hành động để đánh dấu sự kết thúc. Điều này sẽ giúp cho cuộc phỏng vấn không phải gián đoạn bởi sự chờ đợi, lúng túng gây nên sự khó chịu sẽ giúp bạn tạo được sự cân bằng, tự tin trong các câu hỏi tiếp theo. 

Lời khuyên cuối cùng trong trường hợp bạn không thực sự tự tin cho buổi phỏng vấn, hãy tìm đến các chuyên gia giàu kinh nghiệm để có sự chuẩn bị tốt nhất, tăng tỉ lệ thành công cho buổi phỏng vấn visa của bạn. 

Nếu buổi phỏng vấn thành công thì không có gì cần phải nói thêm, tuy nhiên trong trường hợp không may mắn bạn bị trượt visa thì bạn có thể làm lại các toàn bộ thủ tục tương tự như lần phỏng vấn xin visa du lịch đầu tiên, bao gồm đóng lại lệ phí và đăng ký ngày hẹn phỏng vấn mới. Ngoài ra, theo nhiều lời khuyên từ những người có kinh nghiệm, trừ khi hồ sơ có sự thay đổi đáng kể, bạn không nên nộp hồ sơ phỏng vấn lại trong vòng 6 tháng kể từ khi bị từ chối.

Chúc bạn phỏng vấn visa thành công!

    Vui lòng để lại số điện thoại hoặc gọi 0934 546 722 để được tư vấn VISA nhanh nhất